Ngày nay, khi nhắc đến cụm từ “Báo Đen”, nhiều người chỉ nghĩ ngay đến siêu anh hùng Marvel, đại diện cho trí thông minh và phẩm giá của người da đen. Nhưng thực ra, trong lịch sử Mỹ, cái tên này cũng gắn liền với một phong trào đầy tranh cãi. Đảng Báo Đen (BPP) hoạt động từ năm 1966 đến 1982, dành sự quan tâm mạnh mẽ cho quyền lợi của người Mỹ gốc Phi với những cách làm táo bạo. Các thành viên của đảng thường mang vũ khí và tuần tra trên đường phố nhằm chống lại sự áp bức của cảnh sát. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức nhiều chương trình cộng đồng để cải thiện đời sống cho người dân. Với lập trường cứng rắn và lan tỏa nhanh chóng, Đảng Báo Đen trở thành “cái gai” trong mắt chính quyền lúc bấy giờ. Như một nhân vật trong phim từng nói, thời điểm đó, họ được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ, không thua gì Nga hay Trung Quốc.
FBI lúc đó quyết tâm ngăn cản sự xuất hiện của một “đấng cứu thế da đen” – tức là những nhà lãnh đạo có khả năng tập hợp các lực lượng chống đối chính phủ. Trong số đó, Fred Hampton (do Daniel Kaluuya thủ vai), người đứng đầu chi hội Illinois của Báo Đen, là một trong những mục tiêu hàng đầu. Chỉ mới dưới 20 tuổi, nhưng anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ khả năng hùng biện và sức lôi cuốn trong các buổi diễn thuyết. Từ Chicago, Fred không chỉ củng cố vị thế của mình mà còn chiếm được lòng tin của nhiều cộng đồng đa dạng, thậm chí cả những băng nhóm tội phạm.
Cuộc sống của Bill O’Neal (Lakeith Stanfield), một gã thanh niên hay giả làm đặc vụ để cướp ô tô, đã thay đổi khi FBI nhìn thấy tiềm năng của hắn trong việc làm gián điệp cho Đảng Báo Đen. Bill nhanh chóng được Fred tin tưởng và đứng giữa những lựa chọn khó khăn khi cuộc đụng độ giữa các phe trở nên gay gắt hơn. Từ một kẻ trộm vặt không mấy quan tâm đến các phong trào, Bill gặp Fred và dần hiểu hơn về tình hình chính trị và các phong trào đấu tranh khác.
Phim “Judas and the Black Messiah” hé mở những phần tối sáng trong Đảng Báo Đen. Họ thực sự đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người Mỹ gốc Phi nhưng khi sử dụng bạo lực, họ cũng dễ trở thành những kẻ liều lĩnh. Họ vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân trong các cuộc đụng độ diễn ra. Những phân cảnh đẫm máu trong phim đã tái hiện chân thật những gì diễn ra tại Chicago trong thập niên 1960.
Khán giả không thấy quá nhiều bất ngờ với tình tiết, nhất là kết cục của Fred Hampton, bởi cốt truyện dựa trên sự thật. Thế nhưng, đạo diễn Shaka King cùng nhóm viết kịch bản vẫn khiến người xem hồi hợp nhờ việc xây dựng nhân vật sâu sắc. Bill O’Neal – hay “Judas” trong tựa phim – vừa là nhân vật trung tâm, vừa là kẻ phản diện. Từ Đảng Báo Đen, Bill tìm thấy lý tưởng, tình thương và sự quan tâm, trong khi FBI – thông qua nhân vật đặc vụ Roy (Jesse Plemons) – chỉ coi hắn như công cụ, lạnh lùng và đầy xét xử. Những mâu thuẫn trong tâm trí Bill về lương tâm và cảm xúc cá nhân khiến khán giả không thể dự đoán được lòng trung thành của hắn, kể cả khi nhìn những đoạn phim tài liệu cuối cùng, khi nhân vật thực sự của Bill nói về quá khứ của mình.